Tiểu sử Nguyệt Đình

Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh sinh ngày 25 tháng 5 năm Giáp Thân (tức ngày 21 tháng 6 năm 1824), là con gái thứ 18 của Minh Mạng, mẹ là Thục tần Nguyễn Thị Bửu (阮氏宝). Năm 1849, bà cùng hai em là Mai Am và Huệ Phố theo mẹ ra ở Tiêu Viên trong phủ của anh trai là Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Vốn thông minh, ham đọc sách, lại được anh trai là Tùng Thiện vương chỉ bảo nên bà sớm làu thông kinh truyện.

Năm 1850, bà kết hôn với Phạm Đăng Thuật, con trai thứ 18 của đại thần Đức quốc công Phạm Đăng Hưng và là em trai của Nghi Thiên Chương hoàng hậu. Hai vợ chồng sống hạnh phúc, xướng họa tương đắc. Bà tuy lấy chồng người họ quý thích, mà khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa xỉ, duy chỉ thích sách vở mà thôi[1]. Hai vợ chồng chỉ sinh được một gái tên Uyển La (1857 - 1861) nhưng mất sớm.

Năm 1861, phò mã Phạm Đăng Thuật vâng mệnh vào Nam Kỳ xem xét rồi chết việc nước. Tự Đức rất thương tiếc, truy tặng hàm Quang Lộc tự khanh. Kể từ đó, bà thủ tiết, nuôi cháu là Phạm Đăng Tiến (con của Phạm Đăng Thiệu) làm thừa tự, nhưng rồi thấy Tiến vô hạnh, bà từ bỏ, dựng từ đường riêng ở trước mộ chồng[2].

Năm Tự Đức thứ 20 (1876), bà được sách phong làm Quy Đức Công chúa (歸德公主). Năm 1875, bà tâu xin được giao cho xã sở tại (Dương Xuân), chọn người coi giữ việc thờ cúng nơi từ đường.

Ngày 22 tháng 3 năm Nhâm Thìn (tức 18 tháng 4 năm 1892) triều Thành Thái, công chúa qua đời, hưởng thọ 68 tuổi, được táng chung một chỗ với chồng, vua cho thụyCung Thục (恭淑). Lăng tẩm của công chúa Quy Đức và phò mã Thuật hiện tọa lạc trên đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, Huế; bên trong khuôn viên lăng có một ngôi mộ nhỏ của Uyển La, con gái của hai người.